Lẽ thường, người bị bệnh tiểu đường phải kiêng ăn đồ ngọt. Nhưng mật ong tuy rất ngọt mà lại có khả năng trị bệnh tiểu đường và vì thế, với một lượng nhất định, mật ong có thể trở thành một trong những thực phẩm hữu ích đối với người bệnh.
Điều này đối với y học cổ truyền phương Đông không có gì mới lạ, bởi lẽ từ xa xưa người ta đã biết dùng mật ong đơn độc hoặc phối hợp với các dược liệu khác để phòng chống tiêu khát, một chứng bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là tiểu đường.
Khi nghiên cứu thăm dò tác dụng điều chỉnh đường huyết của 50 vị thuốc y học cổ truyền, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy chỉ có 35 vị có khả năng hạ chỉ số đường huyết ở mức lớn hơn 10% so với trị số ban đầu. Trong đó có 11 vị có tác dụng rõ rệt hơn cả và mật ong là một trong số đó cùng với các dược liệu khác như tang bạch bì, tang thầm, tang điệp, đương quy, ngũ bội tử…
Người ta còn nhận thấy, cũng như các sản phẩm khác có nguồn gốc từ con ong, mật ong không những có tác dụng hồi phục và nâng cao năng lực hoạt động của tế bào bê-ta tuyến tụy nội tiết từ đó làm tăng tiết insulin để bù đắp phần thiếu hụt mà còn có khả năng cải thiện tính mẫn cảm của tế bào tổ chức đối với insulin.
Mặt khác, mật ong còn bổ sung dinh dưỡng với một số cơ cấu tương đối toàn diện, tham gia đắc lực vào quá trình điều tiết chuyển hóa, nâng cao năng lực miễn dịch và chống nhiễm khuẩn của cơ thể.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của mật ong đối với đường huyết có tính hai mặt: với một lượng nhỏ có thể làm hạ đường huyết nhưng với một lượng lớn lại có thể làm đường huyết tăng cao. Điều này còn phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ nhưng bước đầu người ta cho rằng: vai trò của hai chất glucose và acetylcholine có trong thành phần của mật ong là hết sức quan trọng.
Như vậy, có thể thấy, nếu được sử dụng đúng cách thì mật ong hoàn toàn có khả năng góp phần cải thiện tình trạng rối loạn đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Dưới đây xin được giới thiệu một số phương cách điển hình của y học cổ truyền trong việc dùng mật ong điều trị bệnh tiểu đường để độc giả tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Bài 1: Hoàng tinh 30g, đậu đen 30g, mật ong 10g. Ngâm hoàng tinh và đậu đen với 1.500ml nước trong 10 phút rồi dùng lửa nhỏ ninh nhừ trong 2 giờ, sau đó cho mật ong vào trộn đều, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: Bổ trung ích khí, cường thận ích vị, dùng rất tốt cho những người bị bệnh tiểu đường có thể chất gầy yếu.
Bài 2: Bột hoàng liên, bột thiên hoa phấn, sữa bò, nước ép ngó sen, sinh địa và gừng tươi, mật ong lượng vừa đủ. 7 vị trộn đều thành dạng cao rồi uống với nước ấm.
Công dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, sinh tân, dùng cho người mắc bệnh tiểu đường có biểu hiện háo khát nhiều.
Bài 3: Lê tươi 750g, mật ong 100g. Lê rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, ép lấy nước rồi hòa với mật ong uống.
Công dụng: Tư âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, dùng rất tốt cho những người bị viêm phế quản mạn tính. Tăng huyết áp, tiểu đường thể âm hư táo kết với các biểu hiện người gầy, hay có ảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, chất lưỡng đỏ khô, không hoặc ít rêu. Những người hay bị rối loạn tiêu hóa, đi lỏng mạn tính không nên dùng bài này.
Bài 4: Mận 5 quả, mật ong 25g, sữa bò tươi (không đường) 100g. Mận rửa sạch, bỏ hạt, thái đem nấu với mật ong và sữa bò trong ít phút rồi ăn cái uống nước.
Công dụng: Than can ích vi, sinh tân nhuận táo, dùng cho những người bị bệnh tiểu đường đại tiện bí kết.
Bài 5: Nước ép ngó sen 150g, nước ép sinh địa, mật ong 150g. Cả 3 thứ cho vào nồi cô nhỏ lửa cho đến khi thành dạng cao, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 15g.
Công dụng: Tư âm chỉ huyết, thông lâm nhuận táo, giáng đường huyết.
Bài 6: Trứng gà tươi 5 quà đập vào bát rồi đổ 150ml dấm ăn, quấy đều. Sau khoảng 60 giờ lại đổ thêm 250ml dấm ăn và 250ml mật ong, đánh kỹ sẽ được một hỗn hợp dịch dấm trứng. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15ml.
Bài 7: Tủy dê 54g, mật ong 54g, cam thảo 30g. Tất cả đem sắc với 600ml nước, sau đó bỏ bã, cô lại thành dạng cao, chia ăn vài lần.
Công dụng: Dưỡng âm, sinh tân, nhuận táo, theo sách Thiên kim yếu phương bài này chuyên dùng để chữa trị chứng tiêu khát.
Ngoài ra, trong quá trình bào chế và sản xuất các dạng thuốc thành phẩm, đặc biệt là thuốc hoàn, để diều trị bệnh tiểu đường, mật ong cũng được sử dụng khá rộng rãi. Có thể nói mật ong là tá dược dính chủ yếu dùng trong viên tễ với nhiều ưu điểm không những có lợi cho kỹ thuật bào chế như dễ dính, dễ tan, có lợi cho quá trình bảo quản… mà còn là chất điều vị khá tốt, giá trị dinh dưỡng cao, làm tăng tác dụng kiện tỳ, bổ khí, hiệp đồng tác dụng với các thuốc khác có trong thành phần viên tễ để làm tăng hiệu lực của thuốc.
Hiện nay, một số đông dược thành phẩm của y học cổ truyền được dùng để điều trị bệnh tiểu đường như lục vị địa hoàng hoàn, kim quỹ thận khí hoàn, nhân sâm cố bản hoàn, tiêu khát hoàn, ngọc tuyền hoàn, thanh vị tiêu khát hoàn, sinh tân tiêu khát hoàn… đều có sử dụng mật ong làm phụ liệu. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại là: vì trong mật ong có một lượng nhất định glucose cho nên trong quá trình sử dụng nhất thiết không được lạm dụng và phải hết sức cảnh giác với loại mật ong “rởm” được sản xuất bằng cách cho ong ăn đường hoặc pha thêm đường để tăng lợi nhuận.
(Theo SK&ĐS)