Hầu hết các sách y học cổ truyền Việt Nam và các sách Đông y của nhiều tỉnh Trung Quốc khi nói về việc chữa chứng tiêu khát ( tiểu đường) đều đề cập đến bài thuốc “Lục vị thang gia giảm”. Có thể dùng bài thuốc này để hỗ trợ cho Tây y.
Bài thuốc gồm các vị sau: Sinh địa, thiên hoa phấn, sa sâm, sơn thù, bạch linh, mạch môn, đơn bì, trạch tả mỗi thứ 12 g, cát căn, kỷ tử, sinh sơn dược, sinh bạch thược mỗi thứ 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Nếu người bệnh cảm thấy nóng nhiều gia thêm tri mẫu 12 g, thạch lộc 20 g. Nếu người bệnh khát nước, uống nhiều, gia thêm sinh thạch cao 40 g, hoàng cầm 12 g hoặc chỉ cần tăng liều cát căn 20 g, sa sâm 20 g. Nếu người bệnh ăn nhiều, mau đói, gầy ốm sụt cân gia hoàng liên 8 g. Nếu táo bón thì bỏ vị sơn thù, sơn dược, gia thêm đại hoàng 10-12 g, mang tiêu 10-12 g, huyền sâm 12 g. Hết táo bón thì ngưng dùng đại hoàng, mang tiêu, duy trì dùng huyền sâm. Nếu người bệnh tiểu nhiều thì gia thêm ích trí nhân 12 g, tang phiêu tiêu 12 g, ngũ vị tử 6 g, sơn dược – sơn thù nhục dùng tăng liều.
Nếu thận âm và dương đều hư nhược, càng ăn uống nhiều càng gầy ốm, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, đau lưng, ù tai, tiểu đêm nhiều lần… thì thêm kim anh tử 16 g, phụ tử chế 10 g, thục địa 16 g, nhục quế 4-6 g, ngũ vị tử 6 g, thỏ ty tử 12 g. Người bệnh thường đi ngoài phân lỏng sệt, không thành khuôn, đầy bụng, mệt mỏi vô lực thì gia thêm bạch truật (sao vàng) 16 g, bỏ vị kỷ tử.
Nếu có vết thương khó lành thì gia thêm các vị như: kim ngân hoa 20 g, cúc hoa 20 g, bồ công anh 20 g, tử hoa địa đinh (địa đinh) 20 g… Người bệnh được khuyên dùng các loại đậu (xanh, đen, đậu nành, đậu phụng, đậu trắng…); ăn rau tươi, trái cây chua; ăn cá, thịt nạc, sữa không béo, lách heo (có thể tán thành bột uống). Thường xuyên luyện tập dưỡng sinh hoặc đi bách bộ.
Mục tiêu của y học cổ truyền trong điều trị bệnh tiểu đường (tiêu khát) là làm bớt các triệu chứng khó chịu, nâng thể trạng cho người bệnh và ngăn ngừa những biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. Tác dụng hạ đường huyết của các vị thuốc chỉ có giới hạn, vì vậy bệnh nhân kết hợp điều trị bằng cả hai loại thuốc Đông và Tây y. Tân dược có thể dùng giảm liều so với liều cũ (tìm một liều thấp tối ưu), hai thứ thuốc Đông và tân dược được uống cách nhau 1-2 tiếng đồng hồ trong ngày. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân phải hỏi bác sĩ và lương y để gia giảm các vị thuốc phù hợp với bệnh của mình và phối hợp đúng cách với tân dược.