Y học hiện đại chứng minh nhân sâm có tác dụng trong hạ đường huyết.Tuy nhiên, y học cổ truyền cho rằng mỗi người bệnh thuộc một thể bệnh riêng nên việc dùng nhân sâm phải linh hoạt và cần khéo léo phối hợp với một số vị thuốc khác.
Bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng nhân sâm theo các phương thức sau đây ở tất cả các giai đoạn. Nồng độ đường trong máu sẽ mau trở lại mức bình thường ở giai đoạn sớm, giảm được một cách đáng kể ở giai đoạn sau và duy trì ổn định dài hơn khi bệnh đã hồi phục.
Cách 1: Nhân sâm, qua lâu nhân, tri mẫu, cam thảo sao, sinh địa, cát căn, bạch linh, mạch môn 9 g, tất cả đem ngâm nước một giờ rồi sắc kỹ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày với nước ấm. Công dụng: Thanh vị nhuận phế, sinh tân ích khí. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, hay có cảm giác khó thở, ngực bụng bồn chồn, nóng bức không yên.
Cách 2: Nhân sâm 4,5 g, thiên môn, mạch môn, thiên hoa phấn mỗi thứ 9 g, hoàng cầm, tri mẫu, lá sen mỗi thứ 6 g, cam thảo sao 3 g. Tất cả đem ngâm nước nửa giờ rồi sắc uống. Cũng có thể hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, ích khí sinh tân. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện họng khô, miệng khát, uống nhiều, đái nhiều, tinh thần mỏi mệt, hay có cảm giác khó thở, đại tiện táo.
Cách 3: Nhân sâm 6 g, mạch môn 15 g, ngũ vị tử 10 g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện mệt mỏi như mất sức, khó thở, hồi hộp trống ngực, họng khô miệng khát, hay vã mồ hôi, thường kèm theo bệnh hô hấp mạn tính với triệu chứng ho khan, ít hoặc không có đờm. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Khí âm lưỡng hư.
Cách 4: Nhân sâm 1,5 g, sinh thạch cao 30 g, tri mẫu 10 g, cam thảo sống 6 g. Tất cả đem ngâm nước nửa giờ rồi sắc uống. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, đái nhiều, miệng khô lưỡi khô, hình thể gầy gò, đại tiện táo kết. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Vị nhiệt thương tân.
Cách 5: Nhân sâm, thạch xương bồ, bạch linh, bạch truật, viễn chí, địa cốt bì, ngưu tất mỗi thứ 30 g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 g. Công dụng: Ích khí kiện tỳ, dưỡng tâm an thần.
Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện hình thể hao gầy, ăn nhiều nhưng mau đói, tinh thần mỏi mệt, giấc ngủ không sâu, hay có cảm giác bồn chồn lo lắng. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Khí huyết lưỡng hư.
Cách 6: Nhân sâm, tri mẫu, ngũ vị tử mỗi thứ 45 g, thiên hoa phấn 125 g, hoàng liên 125 g, mạch môn 90 g, nước ép sinh địa 30 ml, nước ép ngó sen 30 ml, sữa bò tươi 250 ml, nước gừng 250 ml. Các vị thuốc đem ngâm nước vo gạo trong nửa ngày rồi sắc kỹ 2 lần lấy dịch chiết hòa với nước sinh địa, nước ngó sen, sữa bò tươi và nước gừng.
Sau đó đem cô lửa nhỏ, cho thêm 250 ml mật ong loại tốt, tiếp tục cô thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: Ích khí dưỡng âm, dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện mau khát, mau đói, ăn nhiều nhưng hình thể hao gầy, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, ngủ kém hay mê mộng, lưng đau gối mỏi, di tinh, suy giảm tính dục.
Cách 7: Nhân sâm 1,5 g, hoài sơn 30 g, đại táo 15 quả, kỷ tử 12 g, thịt thỏ 120 g, gia vị vừa đủ. Thịt thỏ rửa sạch bằng nước ấm, thái miếng; các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi hầm cùng thịt thỏ trong 60 phút. Sau đó, lấy thịt thỏ ra để ráo, bỏ bã thuốc.
Phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt thỏ vào đảo đều, đổ dịch thuốc vào đun sôi một lát là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện miệng khát, uống nhiều, tinh thần mỏi mệt, khó thở nhẹ, ăn kém, hay đầy bụng, đại tiện lỏng nát. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Tỳ vị khí hư.