Hotline/Zalo: 0964 239 568 - 0989 102 249
Bài thuốc “sức khoẻ phồn thực” mang tên đẹp “Minh Mạng thang”
I. Sức khoẻ phồn thực
Sức khoẻ phồn thực là dạng năng lượng kích thích bản năng tìm khoái cảm tình dục, ngành phân tâm học (psychanalyse) gọi là LIBIDO. Tất cả sinh động vật đều có Libido như một nhu cầu cuộc sống, riêng loài người “nhân linh ư vạn vật” (con người ưu việt hơn muôn loài), thì bác sĩ Sigmund Freud (người Áo, sinh năm Bính Thìn 1856 – mất năm Kỹ Mão 1939) đã giải thích “tâm lý tình dục” con người thể hiện qua các hành vi mỗi cá thể trong quá trình sống (interprétais par des influences psychosexuelles bon nombre d’actes humains). Tâm lý tình dục (psychosexuelles) chính là trạng thái tinh thần bị ức chế & dồn nén nơi tiềm thức não bộ (subconscience encéphale) các ước vọng thầm kín (của libido) không được thoả mãn, vì một hoàn cảnh hoặc điều kiện khó khăn nào đó …
Quá trình sống mỗi người có 4 giai đoạn diễn biến hình thái libido:
* Từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi: trung tâm libido ở vùng miệng – lưỡi, vì thế trẻ dưới 2 tuổi có phản xạ tự nhiên là bú – ngậm – mút bất cứ vật dụng gì ở gần …
* Từ 2 đến 4 tuổi: trung tâm libido ở vùng hậu môn, do đó chúng ta thấy trẻ mẫu giáo thường có thói quen cử động nhiều “vùng bàn toạ” như ngồi bệt, cưỡi, chổng mông …
* Từ 5 đến 12 tuổi: trung tâm libido ở tứ chi, trẻ thích chạy nhảy, cầm, ném… (không chịu ngồi yên, bực dọc khi bị hạn chế tay chân)
* Từ 13 đến lớn khôn: trung tâm libido ở bộ phận “sinh thực khí” (nam là dương vật, nữ là âm hộ), tuổi dậy thì (puberté – nubilité) bắt đầu phát triển và định hình rõ nét hơn về “sức khoẻ phồn thực” (tức libido):
- Nữ thập tam, nam thập lục !
(nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi … là đã có nhu cầu thầm kín libido)
II. Những biến thái của sức khoẻ phồn thực
Ngoài tiến trình phát triển libido nêu trên mà mỗi người khoẻ mạnh đều trải qua (trạng thái bình thường), các nhà phân tâm học còn đúc kết luôn việc khảo sát các biến thái của libido (métamorphie libidineuse) ở một số người có tâm lý bệnh hoạn (nam cũng như nữ) như sau:
2.1 Rối loạn phồn thực dạng khổ dâm (algolagnie passive)
Tức là mỗi khi có nhu cầu giao hợp, thường có ý thích làm cho mình tự đau đớn (làm tổn thương thân thể hoặc dằn vặt tinh thần), thì mới thực sự thoả mãn nhục dục … y học hiện đại gọi là “masochisme”
2.2 Rối loạn phồn thực dạng thống dâm (algolagnie active) tức là chỉ đạt đỉnh điểm thoả mãn nhục dục khi làm cho người bạn tình bị đau đớn (tinh thần hoặc thể xác), như: đánh đập, xỉ vả, khoái cảm nhìn đối tác đau khổ … y học hiện đại gọi là “sadisme”
Theo kinh nghiệm lâm sàng YHCT của cụ đông y sỹ Đẩu Sơn (1) (dòng họ Lê Lã – Hưng Yên) truyền cho con cháu v/v điều chỉnh dạng rối loạn phồn thực cho 2 trạng thái tâm lý bất thường bệnh hoạn ở trên:
2.3 Áp dụng bài thuốc cổ phương kinh điển (loại bổ dưỡng) “Thiên vương bổ tâm đơn” (gồm 13 dược liệu: sinh địa, nhân sâm, đơn sâm, phục linh, viễn chí, bá tử nhơn, thiên môn, đương qui, cát cánh, toan táo nhân, mạch môn, đăng tâm, ngũ vị tử) cho người bệnh dạng khổ dâm (masochisme) uống hàng ngày.
2.4 Áp dụng bài thuốc cổ phương (loại hoà giải) “bát vị tiêu dao tán” (gồm 8 dược liệu: sài hồ, đương qui, bạch thược, bạch truật, phục linh, cam thảo, đơn bì, chi tử) cho người bệnh dạng thống dâm (sadisme) uống hàng ngày.
III. Bài thuốc mang tên đẹp “Minh Mạng thang”
Mỗi khi học lịch sử, mọi người đều chú ý “thành tích phồn thực” của vua Minh Mạng (sinh năm Tân Hợi 1791, mất năm Tân Sửu 1841): có cả thảy 43 người vợ (gồm các bà Hậu & Phi được ghi danh đầy đủ trong “Thế phả Nguyễn phước tộc”) và 142 người con (gồm 78 hoàng tử & 64 công chúa); điều này mặc nhiên nói lên “sức khoẻ phồn thực” (tức libido) của nhà vua (hưởng dương 50 tuổi) rất là sung mãn hiếm có. Sức khoẻ này do đâu mà có? Theo truyền thuyết dân gian xứ Huế: ngay từ lúc còn là “hoàng tử Đảm” (trước năm 1820), ông đã có thói quen uống rượu thuốc bổ dương, loại đặc biệt do các danh y thời bấy giờ cống hiến … nhờ vậy mà đến khi lên ngôi Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (đặt niên hiệu là Minh Mệnh: 1820 – 1841), ông vẫn dẻo dai & mạnh mẽ về sinh lý. Từ đây, đã xuất hiện trong dân gian nhiều “bài thuốc Huế” có hàm ý đề cao chất lượng tăng hiệu quả “sức khoẻ phồn thực” như:
- Bài: nhất dạ lục giao sinh ngũ tử (một đêm 6 lần phồn thực, sinh được 5 con)
- Bài: nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử (một đêm 5 lần phồn thực, sinh được 4 con)
Riêng trong quan điểm của các thầy thuốc dòng họ Lê Lã – Hưng Yên, cụ Đẩu Sơn lại cho rằng:
- Vua Minh Mạng sở dĩ có “sức khoẻ phồn thực” là do các ngự y của Thái y viện triều Nguyễn thời cận kim (từ thế kỷ 19 trở đi) đã hợp chẩn và dâng lên vua bài thuốc bồi dưỡng toàn thể trạng (chứ không phải là bài thuốc bổ dương hay cường dương như nhiều người nghĩ). Bài thuốc này là kết tinh trí tuệ “tổng hợp” nhiều nghiệm phương danh tiếng (trong y thư cổ truyền phương đông Châu Á), mang bản sắc Dịch lý Âm Dương mà dòng họ Lê Lã – Hưng yên mỗi khi làm thuốc đểu phải nhớ:
- Bất tri Dịch, bất túc dĩ ngôn Y
(không biết Dịch lý, thì không thể đủ sức nói về nghề thuốc)
Cách lý giải của cụ Đẩu Sơn là hai sơ đồ sau:
3.1 Sơ đồ lý pháp A
3.2 Sơ đồ dược dụng B
Như vậy, bài “Minh mạng thang” (tên gọi này chỉ dùng mới đây, khi các vua triều Nguyễn không còn nữa …), gồm 20 dược liệu chính, là:
1. Đương qui
2. Bạch thược
3. Thục địa
4. Xuyên khung
5. Nhân sâm
6. Bạch truật
7. Phục linh
8. Cam thảo
9. Quế chi
10. Hoàng kỳ
11. Độc hoạt
12.Tang ký sinh
13. Phòng phong
14. Tế tân
15. Ngưu tất
16.Đỗ trọng
17. Đại táo
18. Tần giao
19. Hổ cốt
20. Lộc giác
Tạm kết
Rõ ràng tập thể thầy thuốc trong Thái Y viện triều Nguyễn luôn nghiêm túc và rất thận trọng:
- Chỉ dám sử dụng các bài “cổ phương danh tiếng” được y thư truyền thống ghi nhận, để tránh các rủi ro tai biến cho nhà vua (và cũng là “tự bảo thân” để không bị triều đình kết tội “ám hại, đầu độc” vua, khi có sự cố xẩy ra!) cách dùng: sắc uống hoặc ngâm rượu để uống … mỗi ngày.
- Chỉ có bài thuốc “kết tinh trí tuệ” bồi dưỡng toàn thể trạng nêu trên mới có thể tạo ra hiệu ứng phụ có lợi (effet secondaire désirable) cho “sức khoẻ phồn thực” chứ không phải là “thuốc kích dục”(như dạng thần dược của YHHĐ: cialit, viagra …) chỉ định nam giới bị yếu sinh lý tiện dụng (nhưng cũng khó lòng sinh được nhiều con)
- Chỉ có thể sinh được nhiều con (trường hợp vua Minh Mạng) khi người đàn ông khoẻ mạnh toàn diện (gồm sức khoẻ thể chất & sức khoẻ tinh thần) như sử gia Trần Trọng Kim đã ghi: “vua Thánh Tổ là một ông vua có tư chất minh mẫn, có tính hiếu học và lại hay làm; phàm có việc gì, ngài cũng xem xét đến …”
Như vậy bài thuốc “Minh Mạng thang” (theo lý giải như công thức của cụ Đẩu Sơn 1905 – 1963 ở Saigon) mới có thể thoả đáng đáp ứng hơn cả trước thành tích “43 bà vợ & 142 người con” của vua minh Mạng!
Hè 2012
Lê Hưng VKD
(biên khảo “Nhiếp sinh”)
Chú thích:
(1) Sách gia phổ huyền thư dòng họ Lê Lã – Hưng Yên truyền lại cho các thế hệ hậu duệ Thiên Lương – Đẩu Sơn: 02 bài thuốc hỗ trợ “sức khoẻ thể trạng” góp phần vào việc điều chỉnh các rối loạn tâm lý tình dục:
- Người huyết áp cao dùng bài “tư âm thanh khí” có công thức và hàm lượng cho một thang dược là: khổ qua (16g) hoài sơn (16g) địa long (16g) đại toán (10g) linh nhĩ (16g) mạch môn đông (16g) hoàng kỳ (16g) sinh địa (12g) thiên hoa phấn (12g) hắc diện thần (32g) tích tuyết thảo (32g) uất kim (10g) (tất cả 12 dược liệu) bào chế thành viên tễ (6g) hoặc dạng cao lỏng uống 50 ml hàng ngày.
- Người huyết áp thấp dùng bài “kiện dương bổ huyết” có công thức và hàm lượng cho một thang dược: đỗ trọng (12g) đại táo (12g) nhãn nhục (12g) táo nhân (12g) câu kỷ tử (12g) bạch thược (12g) đương qui (12g) cẩu tích (12g) nhục thung dung (12g) ngưu tất (12g) bạch phục linh (12g) hoàng kỳ (12g) cam thảo bắc (12g) ba kích (20g) thục địa (20g) hoài sơn (20g) dâm dương hoắc (8g) tần giao (8g) nhân sâm (12g) xuyên khung (12g) (tất cả 20 dược liệu) bào chế thành viên tễ (5g) hoặc thành rượu thuốc (3 thang trong 2 lít rượu trắng)
Tư liệu tham khảo:
- Việt Nam Sử lược, tg Trần Trọng Kim – 2005
- Đại Việt Sử ký toàn thư, NXB. Khoa học Xã hội – 2010
- Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa – tg. Bùi Minh Đức – 2012
- Gia phồ huyền thư dòng họ Lê Lã – Hưng Yên – 2011