Xơ gan là một bệnh thường có ở Việt Nam, là một bệnh nặng, nhất là đã có cổ trướng hoặc đã vàng da. Bệnh được ổn định lâu hay mau phụ thuộc chủ yếu vào chế độ làm việc, chế độ dinh dưỡng và việc phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc…
Nhưng nói chung xơ gan tiên lượng rất xấu. Tuy đã điều trị ở bệnh viện, nhưng tỷ lệ tử vong khá cao. Vì vậy việc phòng bệnh để tránh mắc bệnh viêm gan, dẫn đến xơ gan là rất quan trọng, cần hiểu biết để phòng tránh.
Xơ gan thường tiếp theo sau một viêm gan mạn tính. Rất khó xác định được lúc nào viêm gan mạn đã chuyển sang xơ gan nếu không quản lý bệnh nhân, theo dõi định kỳ và nhất là soi ổ bụng hoặc sinh thiết.
Cổ trướng thường được coi là một biểu hiện mất bù của xơ gan, tiến triển dần dần. Khi to nhiều, bệnh nhân mới để ý đến. Nước cổ trướng màu vàng chanh, còn nước màu hồng hay đỏ là có ý nghĩa xấu: xơ gan đã ung thư hóa, hoặc có áp lực tĩnh mạch cửa tăng nhiều, lách to, cứng chắc, có khi đến tận rốn.
Theo y học cổ truyền, xơ gan cổ trướng là do viêm gan, sốt rét, uống rượu, kém dinh dưỡng.
Căn cứ vào triệu chứng và phương pháp chữa, các thầy thuốc Đông y chia làm 3 thể bệnh với phép điều trị như sau:
Thể xơ gan do can uất, tỳ hư, can tỳ bất hòa
Triệu chứng: Sắc mặt xạm tối, đầu choáng, mệt mỏi, ăn kém, đau vùng gan, tức vùng thượng vị, ợ hơi, bụng trướng, đại tiện lỏng, rêu lưỡi mỏng, mạch huyết tê. Phép chữa xơ can kiện ty:
Bài 1: Rau má 12g, mướp đắng (khổ qua) 12g, thanh bì, chỉ thực, uất kim, hậu phác, mỗi vị 8g; ý dĩ, hoài sơn, biển đậu, đinh lăng mỗi vị 12g. Nước 3 bát, sắc còn 1 bát, uống lúc bụng đói, uống ấm.
Bài 2: Đan sâm 16g, huỳnh kỳ 10g, bạch phục linh 10g, bạch truật 12g, bạch thược 10g, nhân trần 20g, chi tử 8g, ngũ gia bì 8g, đại phúc bì 6g, sài hồ 10g, ý dĩ 16g, cam thảo 6g, đại táo 6g, gừng khô 6g. Sắc uống như trên ngày một thang.
Xơ gan do khí trệ huyết ứ: Triệu chứng: đau nhiều vùng mạng sườn, bụng trướng, người gầy, lách to, môi lưỡi tím, mạch tế. Phép chữa: hành khí hóa ứ:
Bài 1: Kê huyết đằng 12g, cỏ nhọ nồi 12g, uất kim 8g, tam lăng 8g, nga truật 8g, chỉ xác 8g, sinh địa 12g, mẫu lệ 16g, quy bản 10g. Sắc uống ấm ngày một thang.
Bài 2: Bạch thược 12g, đương quy 8g, xuyên khung 12g, đan sâm 12g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, diên hồ sách 8g. Sắc uống ngày một thang. Nếu lách to, thêm tam lăng 12g, nga truật 12g, mẫu lệ 10g, mai ba ba 20g.
Bài 3: Đào nhân 12g, hồng hoa 8g, đương quy 12g, xích thược 12g, đan sâm 22g, tam lăng 8g, nga truật 8g, hương phụ chế 8g, chỉ xác 8g. Sắc uống ngày một thang.
Thể xơ gan cổ trướng: Thể này có 3 loại:
Âm hư thấp nhiệt: Thể này thường kèm theo chảy máu. Triệu chứng: sắc mặt vàng tối, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chân phù, sốt hâm hấp, hoặc sốt cao, phiền táo, miệng khát, họng khô, lợm giọng, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch huyền tế sác. Phép chữa: thanh nhiệt, hóa thấp, dưỡng âm, lợi thủy:
Bài 1: Nhân trần 20g, thạch hộc 20g, sa sâm 12g, sinh địa 12g, xa tiền 12g, trạch tả 12g, bạch mao căn 12g, hậu phác 6g, trần bì 6g, bán hạ chế 6g, chi tử 8g, nước 3 bát sắc còn 1 bát, uống trong ngày một thang.
Bài 2: Thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đơn bì 8g, phục linh 8g, bạch truật 12g, đương quy 8g, địa cốt bì 12g, bạch mao căn 20g.
Tỳ thận dương hư: Triệu chứng: mệt mỏi, ăn kém, bụng trướng, chân phù, tiểu tiện ít, đại tiện lỏng, sợ lạnh, sắc mặt vàng hoặc xanh nhợt, chất lưỡi nhạt hoặc bệu, rêu trắng mỏng, mạch trầm tế. Phép chữa: ôn thận tỳ dương, hành thủy.
Bài 1: Phụ tử chế 12g, nhục quế 4g, chỉ xác 6g, mộc hương 6g, bạch truật 12g, ý dĩ 16g, trạch tả 12g, hoài sơn 12g, kê nội kim 4g, xa tiền tử 12g.
Bài 2: Phụ tử chế 12g, quế chi 6g, gừng khô 6g, phục linh 12g, hậu phác 6g, trạch tả 12g, đại phúc bì 12g, huỳnh kỳ 12g, xuyên tiêu 6g.
Thể cổ trướng nhiều, thủy khí tương kết: Triệu chứng: cổ trướng tăng nhanh, không nằm được, tiểu tiện ít, đại tiện không thông, mạch huyền sác. Phép chữa: công hạ, trục thủy. Chú ý theo dõi mạch, huyết áp tránh trụy mạch do mất nước và điện giải quá nhiều.
Bài 1: Cam toại nướng 6g, thương lục 6g, đại phúc bì 12g, đại hoàng 12g, hắc sửu 8g, úc lý nhân 8g, nước vừa đủ sắc còn 1/3 uống nguội sáng chiều.
Bài 2: Nguyên hoa 8g, cam toại 8g, đại kích 8g, phơi khô tán bột. Ngày uống 2g vào buổi sáng với nước đại táo.
Bài 3: Cây lá trạch lan 30g, rễ muồng trâu (sao rượu) 30g, rễ bồ ngót 30g, lá tía tô 10g, hậu phác 5g, lá dâu 12g. Nước vừa đủ, sắc còn 1/2 uống ấm trong ngày.
Bài 4: Hương phụ chế 12g, vỏ quýt sao 12g, vỏ cau sao 6g, hậu phác 6g, cam thảo 3g, nước vừa đủ, sắc uống như trên.
Bài 5: Hoàng cầm 12g, sơn chi tử 12g, nhân trần 12g, đình lịch tử 8g, long đờm thảo 8g. Nước vừa đủ sắc còn 1/3 uống ấm trong ngày một thang.