Viêm thanh quản theo các y thư cổ tức là chứng khản tiếng hay mất tiếng được gọi chung là “hầu âm”. Bệnh phát nhanh, mất tiếng đột ngột (cấp tính) gọi là “bạo âm”, còn bệnh kéo dài lâu ngày (mạn tính) gọi là “cửu âm”. Ngày nay, Đông y cũng gọi khản tiếng là “thanh á”, còn mất tiếng gọi là “thất âm”.
Mất tiếng có liên quan mật thiết tới chức năng của hai tạng phế và thận. Đông y cho rằng, phế chủ khí, là động lực tạo ra âm thanh; thận chủ nạp khí (giúp thở sâu) và là nguồn gốc của âm thanh. Mất tiếng mới phát thuộc “thực chứng”, liên quan chủ yếu tới tạng phế; thường do ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt, hoặc đàm trọc úng trệ, gây bế tắc thanh khiếu, làm cho chức năng tuyên phát và túc giáng của tạng phế bị rối loạn, mà gây nên bệnh. Còn mất tiếng lâu ngày thuộc “hư chứng”, liên quan đến cả hai tạng phế và thận; thường do tinh khí bị thương tổn, phần âm của hai tạng phế và thận bị suy yếu, khiến “hư hỏa” thiêu đốt cơ quan phát âm, mà dẫn tới hiện tượng tiếng nói bị khản hoặc hoàn toàn không thể phát ra âm thanh. Do vậy, khi bị mất tiếng có thể căn cứ vào từng chứng trạng biểu hiện để chọn lựa thức ăn, vị thuốc dùng cho phù hợp.
Đối với thực chứng gồm 5 thể:
Thể ngoại cảm phong hàn: Biểu hiện cảm lạnh, người mát, mũi nghẹt hoặc chảy mũi nước trong, giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoãn. Bài thuốc: quế chi 12g, sinh khương 12g, thêm kinh giới để ôn thông phế khí, bạch thược 24g, cam thảo 4g, đại táo 12g, đường phèn 80g. Sắc ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần, uống sau ăn 30 phút.
Thể phế nhiệt: Giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, miệng khát, họng đau, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. Bài thuốc: cát cánh 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, thuyền thoái 6g, tiền hồ 12g, tang diệp 12g. Ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần, uống sau ăn 30 phút.
Thể đờm nhiệt: Nói khó, tiếng nặng, đờm nhiều vàng, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác. Bài thuốc: cát cánh 12g, tiền hồ 12g, tang bì 12g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 10g, chi tử 10g, ngưu bàng 10g, thuyền thoái 6g, bối mẫu 10g, cam thảo 6g, qua lâu 10g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống sau ăn 30 phút.
Thể đờm uất ngưng lấp: Tiếng nói nặng, nghe không rõ, ngực đầy, ho ra nhiều đờm, cơ thể mập, người mỏi mệt, tay chân không có sức, rêu lưỡi vàng bệu, mạch hoạt. Bài thuốc: hoàng cầm 10g, chi tử 10g, tiền hồ 10g, bối mẫu 8g, cát cánh 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống sau ăn 30 phút.
Thể phong tà uất bế: Đột nhiên âm thanh bị xáo trộn, khó nói ra tiếng kèm họng hơi đau, ngứa, nuốt khó, ho, ngực khó chịu, mũi nghẹt, sổ mũi, sốt, sợ lạnh, đầu đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhạt, mạch phù. Bài thuốc: ma hoàng 12g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống sau khi ăn 30 phút.
Đối với hư chứng gồm 3 thể:
Thể phế âm hư: Giọng nói khàn, miệng khô, họng đau, ho khan không có đờm, chất lưỡi đỏ, khô, mạch nhỏ sác. Bài thuốc: tang diệp 6 – 12g, hồ ma nhân 4g, mạch môn đông 20g, thạch cao 12g, a giao 4 – 12g, tỳ bà diệp 6 – 12g, hạnh nhân 3 – 4g, nhân sâm 5g, cam thảo 4g. Sắc uống sau ăn 30 phút, ngày 1 thang, chia 3 lần.
Thể thận âm hư: Họng khô, giọng khàn, nói không ra tiếng, bứt rứt khó ngủ, lưng gối nhức mỏi, lòng bàn chân tay nóng, nặng có thể kèm ù tai, hoa mắt, lưỡi thon đỏ, mạch tế, sác, nhược. Bài thuốc: sinh địa 16g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, hoài sơn 6g, sơn thù 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 3 lần uống sau khi ăn 30 phút.
Thể uất nộ khí nghịch: Bình thường vốn uất ức hoặc thường giận dữ, khí uất không giải, đột nhiên mất tiếng, ngực và hông sườn đầy trướng hoặc nhẹ thì vú căng, mạch huyền. Bài thuốc: tử tô 12g, ô dược 12g, trần bì 12g, bạch thược 12g, sinh khương 8g, đại táo 5 quả, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống sau khi ăn 30 phút.